Q9A1-THANGLONG-UNIVERSITY
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Q9A1-THANGLONG-UNIVERSITY

ÁO XƯA DÙ NHÀU, CŨNG XIN BẠC ĐẦU GỌI MÃI TÊN NHAU !!!
 
Trang ChínhTrang Chính  GalleryGallery  Latest imagesLatest images  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
Nếu mai này Mẹ hiền có mất đi.... như đóa hoa không mặt trời... như trẻ thơ không nụ cười... ngỡ đời mình không lớn khôn thêm... như bầu trời thiếu ánh sao đêm......!!!

 

 Doc de xa xi tress

Go down 
Tác giảThông điệp
ADMIN
ADMIN_Q9A1
ADMIN_Q9A1
ADMIN


Nam
Tổng số bài gửi : 106
From : GREAT HEAVEN
Hobbies : MONEY
Registration date : 16/08/2008

Doc de xa xi tress Empty
Bài gửiTiêu đề: Doc de xa xi tress   Doc de xa xi tress Icon_minitimeMon Nov 23, 2009 3:03 pm

Theo Phật giáo, mỗi chúng sinh đều có ba thân: thân tiền ấm, thân trung ấm và thân hậu ấm. Thân tiền ấm là thân thể vật chất hiện tại. Thân trung ấm là thân sau khi chết, đang ở trong khoảng thời gian tìm kiếm một thân khác tương ứng để nương gá. Thân hậu ấm là thân đời sau, khi đã tái sanh vào một cảnh giới khác.

Tại sao trung ấm được gọi là thân? Đúng theo ý nghĩa của chữ thân là “tích tụ” thì sau khi thân này đã chết và chưa tìm ra chỗ đầu thai, trong giai đoạn này không thể gọi là thân được. Vì trong giai đoạn này chỉ có thần thức mà thôi, chưa có tinh huyết của cha mẹ hòa hợp. Tuy nhiên trong giai đoạn này có thể tạm gọi là thân, vì nó có đủ sự thấy, nghe, hay, biết… Kinh Phật gọi dạng thân này là “sắc công năng”, thân do nơi chủng tử của thần thức hiện hành.
Thân trung ấm còn gọi là thân trung hữu, hương hành, ý hành, thú sanh... Thân trung hữu là thân quả báo ở khoảng giữa đời này và đời sau; nghĩa là sau khi rời thân tiền ấm nhưng chưa thác sanh vào thân hậu ấm, trong khoảng trung gian đó gọi là Trung, do vì quả báo thân này vốn có chẳng phải không, mà con người ai cũng phải gánh trả nên gọi là Hữu. Hương hành vì thân này luôn lần theo mùi hương mà đi, ngửi mùi hương để tồn tại, vì vậy đối với người chết khi cúng họ chỉ hưởng mùi hương mà no đủ. Ý hành là do thân này nương gá vào ý để đi tìm chỗ đầu thai. Thú sanh là thân này ở vào một trong sáu cảnh luân hồi.

Thân thể con người vốn do tứ đại hợp thành, do vậy khi chết sắc thân tứ đại phân tán, còn phần tinh thần thì không mất mà tùy nghiệp thọ báo. Thần thức của con người sau khi lìa khỏi xác thân sẽ rơi vào một trong hai trường hợp sau: Đối với người khi sanh tiền tạo các nghiệp nhân cực ác (như ngũ nghịch, thập ác), hoặc người đã tu rất nhiều công đức lành (tu mười điều thiện), hoặc người có tín sâu, nguyện thiết, một lòng niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương; hoặc người có công phu thiền định đã đoạn trừ được kiến tư hoặc, những người đó sau khi chết không phải thọ thân trung ấm.

Ngay khi vừa chấm dứt hơi thở, họ sẽ trực chỉ đọa vào địa ngục A tỳ, hoặc sanh lên cõi trời, hoặc vãng sanh về Tịnh độ. Đối với hạng người bình thường, khi sanh tiền tuy tạo nghiệp nhưng không rơi vào một trong hai nghiệp cực thiện hay cực ác kể trên. Với nghiệp thiện ác lẫn lộn nên thần thức cần một khoảng thời gian để tái sanh vào cảnh giới tương ưng. Trong trường hợp này, thần thức phải trải qua giai đoạn thọ thân trung ấm.

Cảnh giới thọ dụng của thân trung ấm biểu hiện qua hai phần: sắc thân thọ báo và tâm lý thọ báo. Về sắc thân thọ báo, trung ấm có hai loại hình sắc xinh đẹp và xấu xa. Trung ấm có loại hai tay hai chân, có loại bốn chân, có loại nhiều chân, hoặc không chân. Đại để trung ấm chuẩn bị tái sanh về loại nào thì có hình dáng tương đồng với chúng sanh loài đó.

Thân trung ấm của hàng nhân thiên cõi dục, hình dáng bằng đứa bé năm bảy tuổi. Thân trung ấm của chúng sanh cõi sắc lớn bằng thân bản hữu và có y phục, vì do có nhiều chủng tử tàm quý. Chúng sanh ở cõi vô sắc không có thân trung ấm, bởi cõi này không có hình sắc. Trung ấm chư Thiên đầu hướng lên, trung ấm người, bàng sanh và quỷ nằm ngang mà bay đi, trung ấm của chúng sanh ở địa ngục đầu chúc xuống.

Những ai có thiên nhãn, nhìn vào ánh sáng phát ra từ mỗi người, họ có thể đoán định được người đó thiện hay ác. Trung ấm cũng thế, tùy theo nghiệp thiện hoặc ác mà mỗi loài đều có những ánh sáng phát ra khác nhau. Trung ấm của kẻ tạo nghiệp ác ánh ra sắc đen hay xám, trung ấm của kẻ tạo nghiệp thiện ánh ra sắc trắng như điện sáng. Còn về màu sắc, trung ấm của địa ngục sắc đen như than. Trung ấm của bàng sanh sắc xám như khói. Trung ấm của ngạ quỷ sắc đạm như nước. Trung ấm người và trời Dục giới sắc như vàng ròng. Trung ấm của chư Thiên Sắc giới rất đẹp màu tươi trắng, sáng tỏ như ánh trăng rằm.

Trung ấm có rất nhiều thần lực. Mắt của thân trung ấm nhìn suốt xa như thiên nhãn không bị chướng ngại, thấy các trung ấm khác và chỗ mình sẽ thọ sanh. Tai của trung ấm có thể nghe được những âm thanh cực nhỏ. Mũi của trung ấm có thể ngửi được những mùi hương dù xa vạn dặm... Trong giây phút, trung ấm có thể bay vòng quanh giáp núi Tu di, lại có thể xuyên qua tường vách núi non không bị chướng ngại. Chỉ trừ hai chỗ trung ấm không thể vượt qua được: Bào thai mẹ, vì nghiệp lực, một khi trung ấm đã vào rồi thì không thể đi ra được và Kim cang tòa của Phật, do thần lực của Phật, trung ấm không thể vượt qua được.

Thọ mạng tối đa của thân trung ấm là bảy ngày, nếu quá thời hạn bảy ngày mà chưa tìm được chỗ thọ sanh, trung ấm sẽ chết đi rồi sống lại. Nhưng trong vòng 49 ngày trung ấm cũng sẽ tìm được chỗ thọ sanh. Trung ấm khi chết, do nghiệp lành hay dữ chuyển biến mà đổi thành thân trung ấm loài khác. Đại để trung ấm khi sắp chết, tùy theo nghiệp thiện ác mà trong tâm thấy những tướng sai khác, khiến tâm thức mơ màng dường như trong mộng, bấy giờ khởi lên ý niệm muốn chết để sống lại. Khi chết tùy theo nghiệp mà có cảm thọ khổ vui, và sau đó tiếp tục sanh làm thân trung ấm khác, để nối tiếp công việc tìm nơi để thác thai.

Về tâm lý thọ báo, trong thời gian này, trung ấm luôn ở trạng thái mờ mịt phiêu diêu vô định. Các ý tưởng buồn vui lẫn lộn làm cho tâm lý trung ấm thay đổi liên tục, vô cùng thống khổ và bất ổn. Tựu trung tâm lý của thân trung ấm có những sự diễn tiến như sau:

Trước hết là hoài nghi, không biết mình đã chết hay chưa? Thông thường con người sau khi tắt hơi thở, thần thức mới lìa khỏi thể xác, nếu chưa được giải thoát, đều phải trải qua một giai đoạn tối tăm, mịt mù từ ba đến bốn ngày, sau đó mới có cảm giác minh mẫn trở lại. Trong thời điểm tối tăm, thần thức luôn ở trong trạng thái hoài nghi xen lẫn mơ màng, đắn đo tự hỏi: “Giờ phút này không biết ta đã chết hay chưa?”. Đây là trạng thái đối chọi giằng co, giữa hai ý niệm tham sống và sợ chết của con người mà có. Sau khi qua khỏi giai đoạn tăm tối, mới xác định rõ mình đã chết.

Tiếp theo là sự hoảng hốt, khi đi vào một thế giới xa lạ. Khi sống con người đã quen thuộc với cảnh vật xung quanh, nhưng sau khi chết thọ thân trung ấm, con người lại tiếp xúc với một thế giới hoàn toàn xa lạ với cuộc sống thường nhật. Ở đó lại có những cảnh tượng quái dị, những âm thanh chát chúa... khiến thân thể bất an, tâm thức hoảng loạn. Do vậy, tâm lý trung ấm luôn trong trạng thái hoảng hốt, lạc lỏng nơi cảnh giới mà mình không biết thực hư như thế nào. Chính sự hoảng hốt này là yếu tố làm cho trung ấm đọa lạc vào cảnh giới khổ đau.

Do ái dục chi phối, con người khi chết thường sanh các tâm niệm quyến luyến. Hoặc do cảm thương thân phận của mình đã chết, mà sanh tâm đau buồn thương cảm. Hoặc nhân tham luyến vợ con, tài sản mà khó dứt trừ tâm thương yêu trói buộc. Hoặc do các tâm nguyện chưa thành đột nhiên cái chết lại đến, khiến bứt rứt ngồi đứng không yên. Hoặc do oan ức chưa kịp bày tỏ, khiến lòng bực tức mà không chịu nhắm mắt. Tất cả những tâm lý đó đã giày xéo, làm cho trung ấm vốn đã thống khổ, lại chồng chất thêm nhiều nỗi thống khổ khác.

Mặt khác, bấy giờ do nghiệp lực quá khứ chiêu cảm, có những luồng gió nghiệp cực mạnh thổi nát trung ấm, những ánh sáng chớp lòe như giông tố, khiến cho trung ấm hoảng hốt sầu lo; lại có những âm thanh vô cùng chát chúa, khiến trung ấm đinh tai nhức óc cùng với vô số loài ác quỷ hình thù kỳ dị, cầm giáo mác đến đe dọa mạng sống… Tất cả những cảnh tượng rùng rợn ấy, đều do nghiệp lực chiêu cảm, khiến cho thân trung ấm sợ muốn ngất, hoảng hốt không nơi nương tựa. Bấy giờ trung ấm chỉ mong cầu thân quyến tạo phước để cứu giúp mà thôi.

Lúc đó lại có những luồng hào quang của chư Phật và ánh sáng của các chúng sanh trong lục đạo phóng đến. Chư Phật với những đại hào quang rực rỡ và mạnh mẽ, như hào quang sắc xanh chói lòa, hào quang sắc trắng trong sạch, hào quang sắc vàng trong như ngọc, hào quang sắc đỏ mãnh liệt. Còn ánh sáng lục phàm trong cõi dục thì yếu ớt hơn. Ánh sáng của cõi trời thì trắng, ánh sáng của cõi người thì vàng nhạt, ánh sáng của cõi a tu la thì xanh đậm, ánh sáng của cõi địa ngục thì như khói đen, ánh sáng của cõi ngạ quỷ thì đỏ sẫm, ánh sáng của cõi súc sanh thì xanh nhạt. Trong đó thân trung ấm tùy nghiệp duyên với cõi nào thì ánh sáng của cõi ấy sẽ rực rỡ hơn. Vì nghiệp duyên bất thiện của chúng sanh nên phần nhiều các trung ấm chỉ thích ánh sáng của lục phàm hơn…

Cổ thi có câu: “Cổ nhân bất kiến kim thời nguyệt, kim nguyệt hà tằng kiến cố nhân”. Người xưa không thấy được vầng trăng ngày nay, người nay cũng không thể thưởng thức được vầng trăng ngày xưa, song vầng trăng đã chứng kiến được bao sự đổi thay của kim cổ. Và nếu gương trăng có được mối suy tư, chắc cũng sẽ tự hỏi: Không lẽ đời người sanh ra, rồi chỉ biết lo giành giật mưu sinh để rồi chết trong đau khổ, vậy đâu là niềm hạnh phúc chân thật của kiếp người? Ưu tư của vầng trăng cũng là nỗi ưu tư của người có trí tuệ, không chấp nhận thân phận bọt bèo của kiếp người, chỉ sanh ra để đấu tranh sinh tồn và cuối cùng chết trong hoảng hốt…

Vì thế, hiểu được trạng thái con người khi chết như thế nào, và sau khi chết đi về đâu, để thiết lập cho bản thân một cuộc sống có ý nghĩa, có định hướng là điều chúng ta cần phải tranh thủ làm ngay trong những ngày còn lại ngắn ngủi trên cõi dương thế này.
Về Đầu Trang Go down
http://q9a1-thanglong.friendhood.net
ADMIN
ADMIN_Q9A1
ADMIN_Q9A1
ADMIN


Nam
Tổng số bài gửi : 106
From : GREAT HEAVEN
Hobbies : MONEY
Registration date : 16/08/2008

Doc de xa xi tress Empty
Bài gửiTiêu đề: Cõi âm và khả năng ngoại cảm   Doc de xa xi tress Icon_minitimeMon Nov 23, 2009 3:06 pm

Cõi âm và khả năng ngoại cảm



Thời gian gần đây, báo chí có đưa tin về việc các nhà ngoại cảm đi tìm mộ liệt sĩ và tiếp xúc được với người "cõi âm”. Phật giáo giải thích hiện tượng này thế nào? Quan điểm của Phật giáo là thần thức sau khi chết tối đa là 49 ngày thì tái sanh vào một thế giới tương ứng với nghiệp thức. Nếu đã tái sanh vào cõi khác thì "ai” tiếp xúc với các nhà ngoại cảm? Tại sao có những người chết cách nay hàng trăm năm vẫn tiếp xúc được với các nhà ngoại cảm? "Cõi âm” mà các nhà ngoại cảm tiếp xúc được nằm ở đâu trong lục đạo.



Việc các nhà ngoại cảm tìm được hài cốt của những người chết nhờ tiếp xúc với người “cõi âm” được báo chí công bố gần đây là điều có thật và rất đáng trân trọng. Thực ra, khả năng ngoại cảm của con người được biết đến từ thời xa xưa. Các nước trên thế giới, từ lâu, đã nghiên cứu và ứng dụng ngoại cảm vào nhiều lĩnh vực của đời sống, trong đó có cả quân sự.

Và các nhà khoa học Việt Nam, từ khoảng 15 năm nay, đã bắt đầu nghiên cứu một cách nghiêm túc về các hiện tượng đặc biệt của con người, trong đó có ngoại cảm. Tiên phong trong lĩnh vực này là các cơ quan như Liên hiệp Khoa học Công nghệ tin học ứng dụng, Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an, Trung tâm Bảo trợ Văn hóa truyền thống và Bộ môn Cận tâm lý Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người.

Trước hết, Phật giáo không hề có quan niệm về một dạng sống được gọi là “cõi âm”. Thế giới quan của Phật giáo là vô lượng vô biên thế giới, hằng hà sa số thế giới, trong đó có thế giới Ta bà gồm Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Hai cõi Sắc và Vô sắc là cõi giới của thiền định. Cõi Dục gồm lục đạo là các loài Trời, A tu la, Người, Ngạ quỷ, Súc sanh và Địa ngục. Cõi âm hoặc âm phủ chỉ là quan niệm dân gian dùng để chỉ thế giới của người chết đối lập với cõi người sống (cõi dương).

Đối với các bậc chân sư Phật giáo đã chứng đạo, khả năng đặc biệt của các nhà ngoại cảm là chuyện bình thường, không có gì xa lạ cả. Những thiền sư, nhờ tu tập thiền định mà thành tựu Tam minh và Lục thông. Trong đó, khả năng của các nhà ngoại cảm hiện nay có thể xem như là một phần nhỏ của Thiên nhãn thông (năng lực thấy rõ mọi thứ, không ngăn ngại), Thiên nhĩ thông (năng lực nghe được tất cả các dạng âm thanh) và Tha tâm thông (năng lực biết được tâm ý của người cùng các chúng sanh khác).

Chỉ có điều, các hành giả Phật giáo hiếm khi tuyên bố về thần thông, bởi thần thông thường thành tựu trước trí tuệ (chứng đắc Tứ thiền đã có năng lực của Ngũ thông, trừ Lậu tận thông) và chấp thủ hay lạm dụng vào thần thông sẽ chướng ngại giải thoát tối hậu. Vì vậy, các hành giả Phật giáo khi có sở đắc về thần thông thì đa phần thường im lặng. Đối với giới khoa học, Thiếu tướng Chu Phác, Chủ nhiệm Bộ môn Cận tâm lý Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, khá am tường Phật giáo khi nhận định: “Việc ‘thấy’ của các nhà ngoại cảm xét dưới góc độ khoa học hiện đại thực ra là hiện tượng Thiên nhãn thông, một trong mười lợi ích của thiền định”.

Sau khi chết, thần thức thường trải qua giai đoạn trung gian, chuyển tiếp trước khi tái sanh. Khoảng thời gian cho giai đoạn mang thân trung ấm này tối đa là 49 ngày, ngoại trừ hai trường hợp cực thiện và cực ác thì tái sanh ngay lập tức vào cõi Trời hay cõi Địa ngục. Tuy nhiên, còn có trường hợp đặc biệt của thân trung ấm do chết đột ngột (đột tử) và chết một cách oan ức thì thần thức hoặc “không biết” mình đã chết, hoặc do oán hận ngút ngàn mà cận tử nghiệp bám chặt, chấp thủ kiên cố vào trạng huống “hiện tại”, được gọi là các “oan hồn”, cần phải khai thị (giải nghiệp) mới có thể chuyển kiếp, tái sanh.

Ngoài các thân trung ấm, những “oan hồn”, các nhà ngoại cảm còn tiếp xúc được với những chúng sanh trong loài Ngạ quỷ. Nhà ngoại cảm Bích Hằng đã nói rất chính xác: “Thế giới người âm rất đa dạng, phong phú, chia thành nhiều giai tầng”. Chúng sanh loài Ngạ quỷ chiếm nhiều nhất so với các loài khác trong lục đạo. Những đối tượng mà con người gọi là “ma, quỷ, thần linh nói chung…” đều thuộc “những giai tầng” của loài Ngạ quỷ này.

Như vậy, “cõi âm” mà các nhà ngoại cảm tiếp xúc được bao gồm các chúng sanh đang ở giai đoạn thân trung ấm, các “oan hồn” và loài Ngạ quỷ. Nhà ngoại cảm Bích Hằng cũng nói rõ là “tôi chưa thấy địa ngục của người cõi âm bao giờ”, bởi chỉ những người tạo các ác nghiệp và các bậc Đại Bồ tát có đầy đủ thần lực mới vào được địa ngục mà thôi.

Hiện nay, các nhà ngoại cảm thường tìm kiếm hài cốt theo hai hướng.

Khuynh hướng thứ nhất là các nhà ngoại cảm “thấy” được hài cốt, vẽ lại sơ đồ chi tiết khu vực ấy và hướng dẫn thân nhân tìm kiếm. Trường hợp này nhà ngoại cảm chỉ sử dụng khả năng “thiên nhãn thông” của mình để tìm kiếm và phát hiện hài cốt mà không cần trợ giúp của “chủ nhân” chính hài cốt ấy. Bởi hầu hết những hài cốt này chỉ là phần thân xác vật chất đơn thuần (địa đại-đất), còn thần thức đã theo nghiệp tái sanh.

Tuy nhiên, vì các nhà ngoại cảm chưa thành tựu Đại định (tam muội) nên năng lực “thấy” của họ thường chập chờn. Tùy thuộc vào cấp độ định tâm hay trạng thái tâm của họ khi làm việc mà “thấy mờ hoặc tỏ” khác nhau, phải điều chỉnh nhiều lần mới tìm ra vị trí chính xác của hài cốt. Năng lực thấy rõ không có gì ngăn ngại này của các nhà ngoại cảm còn được vận dụng để tìm kiếm khoáng sản, thăm dò lòng đất (ngành mỏ-địa chất), khả năng khám, chữa bệnh (ngành y khoa) v.v… hiện đang được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu, khai thác và ứng dụng.

Khuynh hướng thứ hai thì ngược lại, nhà ngoại cảm tiếp xúc với người “cõi âm” và họ chỉ cho nhà ngoại cảm thấy hài cốt của chính họ hoặc những người khác. Trường hợp này, sự trợ giúp của người “cõi âm” vô cùng cần thiết, do đó nhà ngoại cảm và thân nhân phải có lòng thành. Vì người “cõi âm” biết được tâm ý của chúng ta cho nên nếu lòng không trong sáng, tâm không thành khẩn, làm việc vì danh lợi thì sẽ thất bại. Những chúng sanh mang thân trung ấm, những “oan hồn” và loài ngạ quỷ đều có thể tiếp xúc được với nhà ngoại cảm để truyền thông những thông tin cần thiết.

Ở đây, trường hợp đặc biệt cần lưu tâm là các “oan hồn”. Như đã nói những người chết “bất đắc kỳ tử”, chết trong oán hận tột cùng rất khó tái sanh. Mặc dù phần lớn các luận sư Phật giáo đều cho rằng thời gian thích hợp cho tái sanh của thân trung ấm thường tối đa là 49 ngày nhưng “oan hồn” là một ngoại lệ. Theo luận sư Pháp Cứu (Dharmatrata), tác giả Tạp A tỳ đàm tâm luận (Samyutara Abhidharmahridaya) thì thân trung ấm tồn tại không hạn chế thời gian nếu nhân duyên chưa đủ để đầu thai (xem thêm Đại cương luận Câu xá, tác giả Thích Thiện Siêu, NXB Tôn Giáo, 2000, tr.109).

Kế thừa quan điểm này, về sau vị chân sư Phật giáo Tây Tạng Sogyal Rinpoche, bằng tuệ giác chứng ngộ của mình, trong Tạng thư sống chết (Thích nữ Trí Hải dịch) khẳng định: “Toàn thể trung ấm tái sanh kéo dài trung bình 49 ngày, và ít nhất là một tuần. Nhưng cũng còn tùy, giống như hiện tại có người sống tới trăm tuổi, trong khi kẻ khác chết non. Một số lại còn bị kẹt trong thế giới trung gian để thành ma quỷ (18- Bardo tái sanh)” hay “Những người đã có cái chết kinh khủng hay đột ngột rất cần được giúp đỡ. Những nạn nhân của ám sát, tự sát, tai nạn, chiến tranh, thường rất dễ rơi vào sợ hãi đau đớn, hoặc ở mãi trong kinh nghiệm khủng khiếp về cái chết của họ, do đó không thể tiến đến giai đoạn tái sanh (19- Giúp đỡ sau khi chết)”. Vì những lý do trên, có những trường hợp tuy đã chết rất lâu nhưng vẫn chưa được tái sanh.

Phần lớn những người “cõi âm” mà nhà ngoại cảm tiếp xúc, mô tả hình dáng, tính cách của họ đúng như dáng vẻ, tâm trạng lúc chết đều ở trong trường hợp này. Chính việc thần thức “ở mãi trong kinh nghiệm khủng khiếp về cái chết”, “bị kẹt trong thế giới trung gian” (lời của Sogyal Rinpoche), sự chấp thủ kiên cố, bám chặt vào trạng huống “hiện tại” trước khi chết đã tạo ra một dạng sống gọi là “oan hồn”. Do đó, Phật giáo thường lập đàn tràng Giải oan bạt độ và Chẩn tế âm linh cô hồn. Giải oan là tháo gỡ sự chấp thủ, khai thị cho “oan hồn” hiểu giáo pháp mà buông xả, tỉnh ngộ để tái sanh. Chẩn tế là ban phát thực phẩm cho loài ngạ quỷ được no đủ, đồng thời khuyến hóa họ hồi tâm hướng thiện để sớm chuyển nghiệp, siêu thăng.

Như vậy, thế giới “cõi âm” vô cùng đa dạng và phức tạp, những nhà ngoại cảm nhờ có nhân duyên đặc biệt nên tiếp xúc được với họ, giúp họ truyền thông với con người. “Thông điệp” của người “cõi âm” cũng không ngoài tình thương, sự trân trọng, quan tâm lẫn nhau và đề cao các giá trị đạo đức, tâm linh. Chính những tâm tư của người “cõi âm”, nhất là các “oan hồn” đã góp phần tạo nên khí vận quốc gia, hồn thiêng sông núi. Do đó, việc cầu nguyện cho âm siêu dương thái theo pháp thức Phật giáo là điều cần làm.

Ngày nay, các nhà khoa học đang nỗ lực khám phá hiện tượng ngoại cảm theo hướng trường sinh học hay năng lượng sinh học. Tuy nhiên, nếu chỉ thiên về nghiên cứu “vật chất” thì sẽ khó tiếp cận trọn vẹn vấn đề, bởi “sắc tức thị không, không tức thị sắc” (Tâm kinh). Đó là chưa kể đến hoạt dụng của tâm thức A lại da bao trùm khắp cả pháp giới, siêu việt cả tâm lẫn vật, theo Duy thức học, chỉ có tu tập thiền định mới có thể khai mở và thành tựu kho tàng tuệ giác này.
Về Đầu Trang Go down
http://q9a1-thanglong.friendhood.net
ADMIN
ADMIN_Q9A1
ADMIN_Q9A1
ADMIN


Nam
Tổng số bài gửi : 106
From : GREAT HEAVEN
Hobbies : MONEY
Registration date : 16/08/2008

Doc de xa xi tress Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Doc de xa xi tress   Doc de xa xi tress Icon_minitimeMon Nov 23, 2009 3:08 pm

I. Dẫn nhập
Một đời người có thể là một trăm năm, hoặc có thể là ngắn hơn. Khi còn sống ta biết chắc chắn một ngày nào đó ta phải chết. Phải chăng một kiếp người gói gọn hai chữ Sống và Chết?

“Thông minh tài trí anh hùng,
Ngu si dại dột cũng chung một gò”.

Chúng ta biết rõ điều đó nhưng chúng ta vẫn dành phần lớn thời gian, tâm trí, tài năng để tranh đua hơn thua, phải trái... Trong kiếp sống mong manh ngắn ngủi của một đời người, có mấy ai chịu dừng lại một phút trầm tư suy nghĩ về quá khứ và tương lai, đặt cho mình một câu hỏi:

Chúng ta từ đâu đến và chết sẽ đi về đâu? Thật ra đạo Phật không chỉ chú trọng trong khi sắp chết, nhưng vì muốn khi sắp chết cũng như khi sống, đều được an vui. Đã là vật hữu tình tất nhiên đều có sanh và diệt, có thành có bại; đó là một định luật bất di bất dịch của cuộc đời, là công lệ của muôn pháp. Sự hiện hữu muôn vật từ ngàn xưa mãi đến ngàn sau tựa như bóng trăng trong nước, hoa trong kính, vừa không trường tồn, không thật, chỉ trong chớp nhoáng mong manh như mây khói bay ngang trước mặt, như giấc mộng, như bọt bèo trôi. Tất cả biến động không ngừng trong từng sát-na sanh sanh diệt diệt.

Chết là một định luật tất yếu của hết thảy những gì có sự sống. Chết không phải là nơi yên nghỉ cuối cùng mà là kết thúc kiếp sống trước và chuẩn bị một cuộc sống mới.
Sự băn khoăn trăn trở đã bao lần thúc giục tôi mạnh dạn cầm bút, xin viết, xin nói đến người đọc một trạng thái lạ lùng của con người trong khi sắp chết, hay đã chết. Đó là những gì tôi góp nhặt được trong các kinh luận của đạo Phật, và đôi khi tận mắt trông thấy những người thân bạn hữu trong giờ phút ra đi bên lời Kinh tiếng kệ của các vị Thầy. Bởi lẽ ấy, tôi xin kính giới thiệu những mục nhỏ trong bài viết này, rất mong sự đón nhận của người đọc, người chết cũng như người sống hưởng được nhiều phần lợi ích.

II. Hơi thở đã tắt nhưng thần thức chưa rời khỏi xác
Có người bảo rằng chết giống như ngọn đèn tắt thế là hết, nhưng sự thật không hẳn như vậy, một cái bóng đã cháy đã hư nếu ta thay lại bóng mới, bóng tốt thì đèn lại tiếp tục sáng, người chết tượng trưng cho đèn tắt, bóng hư, ta thay bóng mới. Trong tượng trưng ấy biểu thị cho sự giải thoát, đọa lạc hay luân hồi, đèn hư bóng cháy không có nghĩa là nguồn điện đã mất mà nó còn tiềm ẩn ở bên trong.
Đối với một con người sau khi hơi thở đã tắt, thần thức vẫn chưa rời khỏi xác, mọi sự cảm thụ còn giống như chúng ta, chỉ khác ở chỗ chúng ta biết đau, biết nhận biết, biết phản kháng. Còn thần thức thì ngược lại... bây giờ chỉ còn thức A-lại-da có tên gọi thức thứ tám, là thức cuối cùng lìa khỏi thân xác kết thúc một kiếp sống, một sinh mạng. Nhưng thức ấy lại là thức đầu tiên đi vào bụng mẹ để hình thành một sinh linh mới, một cuộc sống mới. Vì thế nên nói A-lại-da là chủ nhân của sinh mạng trong dòng sinh tử luân hồi. Để dễ hiểu người viết xin mượn câu:
“Mình với ta tuy hai mà một
Ta với mình tuy một mà hai.”

Trong ái dục lửa tình khi đôi nam nữ yêu nhau đến cực độ, thể xác lẫn tâm hồn lúc này họ đã hòa chung là một không còn ranh giới giữa nam và nữ, giữa mình với ta, giữa ta với mình, dục vọng yêu thương đôi bên chan hòa hợp lại thành một khối keo sơn, nghiệp đó cất chứa do A-lại-da thức đợi đến giai đọan đó, nó chớm nở trưởng thành, tạo nghiệp kết tạo một đời sống sinh linh mới. Và cứ thế tiếp tục diễn mãi trên con đường sinh tử luân hồi.

Do vậy, con người tắt hơi, mạch ngưng, tim ngừng đập, nhưng phần tâm linh vẫn chưa thực sự rời khỏi xác, nó vẫn còn trong trạng thái tri giác đầy đủ. Sự cảm thụ của tâm thức ấy giống như con rùa bị người ta lột khỏi mai, tách khỏi vỏ, họ đau đớn, nhưng không nói được, thần thức cảm thấy bơ vơ chới với đau thương, mọi cử chỉ hành động của người thân còn sống nó đều biết được, nhưng không thể nói giải thích với người thân bằng lời nói, hành động, hình dạng như đang còn sống nữa, để rồi họ cảm thấy buồn tủi cô đơn.

Trong thời gian đó thần thức chưa thoát ly ra khỏi xác, người thân chúng ta chú ý nên chăm sóc tắm rửa nhẹ nhàng, đặc biệt chúng ta không nên kêu gào khóc lóc, tại vì lúc này thần thức chưa biết mình chết thật sự. Họ thấy chúng ta khóc, họ không hiểu không biết vì sao chúng ta lại kêu khóc, như vậy càng đè nặng lên tâm linh của kẻ mất.

Ở giai đoạn này, tâm linh người chết cảm nhận sự trống vắng bơ vơ vì lúc đó họ đã tách rời cuộc sống cũ. Ta mất đi người thân ta cảm nhận đau thương, thần thức xa lìa khỏi xác họ cũng cảm nhận buồn tẻ, sợ sệt chới với với thế giới khác, thế giới không có người thân, hiểu được điều này ta phải cảm thông với người xấu số. Chúng ta luân phiên nhau niệm Phật hòa chung lời kinh tiếng kệ để trợ dẫn thần thức đi trong thanh thoát, nhẹ nhàng.

III. Giai đoạn thần thức lìa khỏi xác
Sau khi tắt hơi thở, thần thức rời khỏi thân, nếu chưa được giải thoát thì phải trải qua một trạng thái tối tăm mờ mịt từ ba ngày trở lên. Vì nó còn phụ thuộc vào phước đức của người đó khi còn sống, sau đó mới bắt đầu vào cảnh trung ấm. Để dễ hiểu chúng ta phân chia thành ba loại.
A- Đối với những người khi còn sống tu thập thiện.
1/Không sát sanh: Từ bi không sát hại
2/Không trộm cắp: Ngay thẳng, không lấy của người.
3/Không tà dâm: Trong sạch không quan hệ bất chính.
4/Không nói dối: Chân thật không dối gạt.
5/Không thêu dệt: Trung thực không xảo ngôn
6/Không đâm thọc: hòa hợp không nói lời ly gián
7/Không nói thô ác: Hòa nhã không cay nghiệt không thô tục.
8/Không xan tham: Rộng rãi bố thí.
9/Không sân hận: Từ hòa nhẫn nại
10/Không si mê: Sáng suốt tỉnh giác.

Đồng thời qui y Tam bảo, giữ năm giới sống trọn nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.
Khi hơi thở đã tắt, người ấy chết, lập tức thần thức sẽ thọ sanh về cõi trời, cõi người không phải chờ đợi.
B- Những người chuyên tu thiền định hoăc niệm Phật đến chỗ nhất tâm bất loạn, khi thần thức lìa khỏi xác, họ lập tức được sanh về cõi trời.
C- Đối với những người gian ác nham hiểm, khi vừa tắt thở thần thức sẽ bị đọa vào ba đường ác (địa ngục, ngạ quỉ và súc sanh).
Lại nữa, thông thường người chết khi thân xác lạnh dần, nhưng trong người còn lại một chỗ nóng cuối cùng sau đó mới lạnh luôn, ấy là chỗ ra đi của thần thức, để chuẩn bị giả biệt xác thân này.

Theo kinh nghiệm của các bậc cổ đức chỉ dạy, người chết thân xác lạnh, hẳn duy chỉ ở hai mắt hoặc trên trán còn một điểm nóng chúng ta đoán được người chết sẽ thoát vòng luân hồi sinh tử và thọ sinh về cõi thánh. Nếu ở trên đầu còn lại điểm nóng sẽ được sanh về cõi trời (đảnh sanh thiên). Nếu ở ngực còn lại điểm nóng sẽ được sanh vào loài người (nhân tâm) nếu ở bụng còn lại điểm nóng đọa vào cảnh giới ngạ quỉ. Nếu toàn thân lạnh ngắt nhưng đầu gối còn điểm nóng sẽ sanh vào cõi bàn sanh. Và cuối cùng nếu toàn thân lạnh hết mà lòng bàn chân nóng, chúng ta đoán biết họ sẽ bị xuống địa ngục (địa ngục tại tâm túc). Đó là kinh nghiệm đúc kết chính xác của các bậc tiền bối, nhưng đôi khi trên thực tế ta đối diện với xác chết, nhận thấy đa số là nóng ở điểm ngực, còn nơi khác thì ít diễn ra. Chúng ta chỉ cần nhìn những gì mình làm, mình sống trong hiện tại cũng tự mình đoán biết được thân thế kiếp sau mình đầu thai vào nơi nào (dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị).

IV. Thần thức đi về đâu sau khi lìa khỏi xác

Đức Phật đã từng nói: “Chúng sanh sở dĩ trôi lăn trong ba cõi sáu đường tùy theo nghiệp lành, nghiệp dữ mà chiêu cảm”. Sau khi chết, thần thức (trung ấm thân) của họ đi đầu thai là tùy thuộc vào nghiệp nhân đã tạo trong lúc sống, tức là họ phải lên xuống trong sáu đường. Cứ thế, sống chết, chết sống, lên xuống, xuống lên, thay hình đổi dạng, chìm nổi trôi lăn trượt dài trong vòng của bánh xe sinh tử. Duy chỉ những ai tu nhân tích đức, hướng thiện, làm thiện, niệm Phật thì sau khi họ chết, lập tức thần thức của người ấy mới được sanh về Tây phương Cực Lạc. Họ không còn sự chi phối định nghiệp thọ thân báo về sau trong tam giới luân hồi lục đạo.

Trung ấm thân đi đầu thai, chuyển sang một kiếp sống mới là do thiện nghiệp và ác nghiệp họ phải chiêu cảm lấy. Song, cận tử nghiệp (nghiệp gây ra trong tích tắc phút giây lìa đời) nó cũng rất quan trọng quyết định cho việc thọ báo thân về sau. Đó là một điều tối ưu mà chúng ta không thể bỏ qua được. Một số người khi còn sống không biết tạo điều thiện, trau dồi phước đức, không tụng kinh, ăn chay, niệm Phật. Lúc trẻ, họ dồn hết sức mạnh vào việc tranh đua, làm mất nhân tính, cướp bóc chém giết, tranh giành phần thắng, phần lợi cho mình. Đến khi sắp chết, chỉ trong tích tắc, cận tử nghiệp đến, họ thức tỉnh cảm thấy ăn năn hối cải, hồi quy hướng thiện với một tâm tha thiết sám hối tội lỗi của mình làm, quay đầu hướng thiện nghĩ đến Phật và Bồ-tát. Lập tức cận tử nghiệp trong phút giây ấy được hóa giải, họ có thể được giải thoát không bị rơi vào con đường ác đạo. Vì vậy, một niệm sau cùng khi ta nhắm mắt lìa đời là nguồn động lực trong vấn đề siêu thăng hay đọa lạc. Nếu một niệm nhớ nghĩ là thiện sẽ sanh về thiện đạo, nếu một niệm ấy là ác sẽ thác sanh vào ác đạo, nếu niệm ấy nhớ nghĩ là Phật sẽ được vãng sanh Tịnh độ. Cận tử nghiệp nó có đặc thù diệu dụng, có tính cách quyết định cho cả một kiếp sống con người trong tương lai lâu dài.

V. Người thân làm gì đã cứu độ thân trung ấm

Sự đọa lạc luân hồi hay giải thoát của vong linh là do chính đương sự gây tạo trong lúc sống, nhưng gia quyến cũng có một phần trách nhiệm trong vấn đề này. Trải qua trong vòng 49 ngày là điểm mốc quan trọng để thân trung ấm đi đầu thai tùy theo nghiệp lực tạo lúc còn sống. Dù lúc sống chưa bao giờ tạo thiện duyên, học Phật, tin Phật, ăn chay, niệm Phật, bố thí, tạo phước, nhưng khi họ mất, trong khoảng 49 ngày thân trung ấm tồn tại trong tình trạng lênh đênh mịt mờ và cô khổ họ từng giây, từng phút mong mỏi sự cứu độ của người thân. Bởi vậy, sự siêu thăng hay đọa lạc của vong linh còn tùy thuộc ở người thân, ở những người còn sống. Chúng ta nên phát tâm dũng mạnh để cứu độ vong linh ra khỏi bờ vực thẳm. Như ấn tống kinh điển, bố thí, phóng sanh, cúng thất trai tuần, thành tâm cầu nguyện hồi hướng cho vong linh quay về ý thiện. Trong vòng 49 ngày người thân chúng ta nên ăn chay, dùng thức ăn chay để cúng và cấm tuyệt đối không được sát sanh. Được vậy không những người mất được lợi ích, mà người sống được phước vì họ không tạo nghiệp sát. Như trong kinh Địa Tạng có ghi: “Làm những việc sát hại, cho đến bái tế quỷ thần, đã không có một mảy may phước đức, có thể lợi cho kẻ chết, mà còn kết thêm tội lỗi càng sâu nặng. Dù cho kẻ chết về đời sau của họ, hoặc trong đời nầy có thể chứng được thánh quả hoặc sinh lên cõi trời, nhưng khi lâm chung bị bà con làm ác nhân ấy (tức là nhân sát hại) cũng làm cho họ phải liên lụy nhiều bề, chậm sanh về chỗ lành. Huống chi kẻ chết đó khi sống còn chưa từng làm một chút thiện, một việc lành, chỉ nương theo gốc nghiệp mà tạo tác, lẽ ra phải chịu ác thú, nỡ nào bà con lại gây thêm nghiệp cho họ”.
Do vậy những công đức làm việc phước, tạo phước của người thân, dù người chết có đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh cũng được nhiều phần lợi ích, nghiệp nặng trở thành nghiệp nhẹ và được công đức phước lợi thù thắng.

Khi người chết để lại một di sản, muốn cứu độ tạo phước cho người mất, người còn sống nên phát tâm bố thí cho người nghèo bằng vật chất, in ấn kinh sách, tranh tượng, hoặc làm việc gì giúp ích cho xã hội. Nhưng chúng ta nên lưu ý một điều làm những việc đó, cần phải đối trước vong linh mà khai thị cho họ biết, để tránh sự nhầm lẫn sinh lòng giận hờn luyến tiếc tài sản của mình. Nhân đó vong linh liền khởi lên tà niệm sân hận, bực tức liền bị đọa, nghiệp lực dắt họ đi vào ác đạo. Tốt nhất ta nên phân chia tài sản qua 49 ngày, đợi Thân Trung Ấm đi đầu thai, còn ở giai đoạn 49 ngày Thân Trung Ấm vẫn còn tham đắm tài sản của mình, ai đụng vào họ liền khởi tâm sân hận, tức khắc sẽ bị đọa. Trong kinh có nói: “Trong khi lấy di sản của kẻ chết mà làm việc phước đức để cứu độ cho họ, trước hết phải xét rõ người ấy lúc còn sống, bỏn sẻn hay không, nếu lúc còn sống tính họ hay bỏn sẻn, thì khi thấy được bà con đem di sản của mình mà làm Phật sự hay bố thí. Tất họ thấy vật dụng của họ bây giờ thành sở hữu của kẻ khác, liền sanh lòng giận hờn tiếc nuối. Nhân đó mà khởi lên tà niệm, liền bị nghiệp lực dắt vào ác đạo. Cho nên thiện tri thức là gia quyến của họ phải biết khai thị: “Nay ta vì người mà đem di sản của người làm Phật sự, hay làm việc phước đức, làm như thế, tức là đem của cải hữu lậu làm việc vô lậu, nhờ ở công đức này sẽ được siêu sinh Tịnh Độ. Ngươi phải chăm lòng thành kính niệm Phật A-di-đà, cầu Ngài đến cứu độ. Đối với di sản cần phải rời bỏ chớ nên bận lòng, phải hoàn toàn không luyến tiếc tham đắm nữa. Vì những tài sản của thế gian người cũng không thể thọ dụng được nữa, đối với ngươi nó đã thành vô dụng”.

(Nguồn: TS. Pháp Luân 61)
Về Đầu Trang Go down
http://q9a1-thanglong.friendhood.net
Sponsored content





Doc de xa xi tress Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Doc de xa xi tress   Doc de xa xi tress Icon_minitime

Về Đầu Trang Go down
 
Doc de xa xi tress
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Q9A1-THANGLONG-UNIVERSITY :: HOT NEWS FROM NEWPAPERS-
Chuyển đến