Q9A1-THANGLONG-UNIVERSITY
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Q9A1-THANGLONG-UNIVERSITY

ÁO XƯA DÙ NHÀU, CŨNG XIN BẠC ĐẦU GỌI MÃI TÊN NHAU !!!
 
Trang ChínhTrang Chính  GalleryGallery  Latest imagesLatest images  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
Nếu mai này Mẹ hiền có mất đi.... như đóa hoa không mặt trời... như trẻ thơ không nụ cười... ngỡ đời mình không lớn khôn thêm... như bầu trời thiếu ánh sao đêm......!!!

 

 SONG NUI NUOC NAM, VUA NAM O

Go down 
Tác giảThông điệp
Sat That
Khách viếng thăm
Anonymous



SONG NUI NUOC NAM, VUA NAM O Empty
Bài gửiTiêu đề: SONG NUI NUOC NAM, VUA NAM O   SONG NUI NUOC NAM, VUA NAM O Icon_minitimeThu Sep 22, 2011 11:01 pm



SONG NUI NUOC NAM, VUA NAM O

Những công trình phòng thủ 'kinh điển' của người Việt
Cập nhật lúc :6:01 AM, 22/09/2011

(ĐVO) Trong suốt quá trình phát triển nghệ thuật quân sự, nhiều công trình phỏng thủ của người Việt đã ghi dấu ấn trong sử sách bởi cấu trúc độc đáo, mức độ quy mô cũng như sự “bất khả xâm phạm” với quân thù…

Vòng xoắn ốc Cổ Loa

Cổ Loa là kinh đô của nhà nước phong kiến Âu Lạc dưới thời An Dương Vương vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Đây là tòa thành cổ quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ. Tòa thành này nằm trên xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội ngày nay.

SONG NUI NUOC NAM, VUA NAM O Cdv-coloa

Theo sử sách, thành Cổ Loa được xây theo hình trôn ốc 9 vòng, chu vi lên tới 9 dặm. Hiện chỉ còn 4 vòng thành khép kín, như những vòng tròn to nhỏ lồng vào nhau, vòng thành ngoài dài 8km, vòng thành giữa dài 6.4km, thành nội 1,6km… Ngoài mỗi vòng thành đều có hào nước thông với sông Hoàng Giang, trở thành hào nước tự nhiên rất lợi hại.

Theo truyền thuyết, tướng Triệu Đà của phương Bắc đã nhiều lần đánh Cổ Loa nhưng đều nướng quân vô ích trước sự phòng thủ hiệu quả của người Việt.

Sau đó, để dùng kế phản gián, Triệu Đà đã xin giao hòa với nước ta rồi sai con trai là Trọng Thủy sang cầu hôn với Mỵ Châu - con gái vua An Dương Vương. Từ những sai lầm của Mỵ Châu, Trọng Thủy đã đánh cắp nỏ thần của thành Cổ Loa giao cho Triệu Đà. Trong cuộc chiến tiếp theo, thành Cổ Loa đã sụp đổ.

Phòng tuyến Như Nguyệt – nỗi kinh hoàng của phương Bắc

Trong cuộc chiến chống Tống những năm 1070 của nhà Lý, Lý Thường Kiệt đã biến sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay) thành một phòng tuyến quân sự trọng yếu, quyết định vận mệnh của cuộc chiến này.

Đoạn sông Như Nguyệt mà ông dựng phòng tuyến nằm án ngữ con đường thuận lợi nhất để quân Tống tiến về Thăng Long. Có núi ở cả hai bên bờ, bản thân đoạn sông này cũng là chướng ngại thiên nhiên ngăn bước tiến của bộ binh và kỵ binh địch.

SONG NUI NUOC NAM, VUA NAM O Cdv-nhunguyet

Chiến lũy của phòng tuyến Như Nguyệt được xây bằng đất có đóng cọc tre dày nhiều tầng làm phên dậu. Dưới bãi sông bố trí các hố chông ngầm. Quân Lý đóng thành từng trại trên suốt chiến tuyến, có thêm thủy binh phối hợp tạo nên một phóng tuyến rất vững chắc.

Theo diễn biến cuộc chiến, sau khi thâm nhập vào nước Việt, quân Tống đã dừng lại tại bờ Bắc sông như Nguyệt để tính kế phá phòng tuyến, vượt sông.

Trong nỗ lực vượt sông đầu tiên, đạo quân tinh nhuệ của nhà Tống đã bắc cầu phao tấn công quyết liệt và đã có lúc chọc thủng được phòng tuyến. Trong tình thế hiểm nghèo ấy, Lý Thường Kiệt đã động viên tinh thần quân sĩ bằng bài thơ Nam Quốc Sơn Hà bất hủ. Quân Tống đã bị đẩy lui trước tinh thần chiến đấu xả thân của quân Đại Việt.

Lần thứ hai, chúng huy động lực lượng lớn hơn và vượt sông bằng nhiều bè lớn, mỗi bè chở được 500 quân. Cuộc tấn công này cũng bị đập tan. Từ đó, mọi ý định vượt sông đều bị coi là phiêu lưu, và tướng của nhà Tống ra lệnh “Ai bàn đến đánh sẽ bị chém đầu”.

Cuối tháng 3/1077, quân đội của Lý Thường Kiệt mở cuộc tổng phản công chiến lược, quân Tống đại bại và tháo chạy trong hoản loạn… Thảm bại trước phòng tuyến Như Nguyệt đã làm cho nhà Tống mất hẳn ý chí xâm lược Đại Việt.

Hệ thống phòng thủ khổng lồ của nhà Hồ

Sau khi nắm ngôi vào năm 1400, nhà Hồ rất coi trọng hệ thống phòng thủ đất nước trước họa xâm lăng của phương Bắc. Nhiều công trình phòng vệ có quy mô lớn đã được xây dựng trong thời kỳ này, tiêu biểu là thành Tây Đô và thành Đa Bang.

Trong những năm 1405-1406, nhà Hồ đã thám sát địa hình, cho quân đóng cọc ở các cửa biển, và những nơi xung yếu trên sông Cái (sông Hồng) để phòng thủy quân phương Bắc.

SONG NUI NUOC NAM, VUA NAM O Cdv-thanhnhaho2

Một hệ thống công trình phòng thủ có quy mô lớn, dài gần 400km đã được thiết lập, kéo dài từ núi Tản Viên, men theo sông Đà, sông Hồng, sông Luộc đến cửa sông Thái Bình với vô số các chướng ngại vật như bãi cọc, xích sắt giăng trên sông cùng các đồn quân chốt chặn khắp các cửa sông, cửa nguồn, quan ải...

Các sử gia nhận định, trong lịch sử quân sự, đây là thời kỳ mà người Việt đã xây dựng được một công trình phòng ngự có quy mô lớn nhất. So với phòng tuyến Như Nguyệt thời Lý, hệ thống phòng thủ của nhà Hồ có chiều sâu và mức độ đồ sộ gấp nhiều lần.

Thế nhưng, do không được lòng dân ủng hộ, nhà Hồ đã thất bại trong cuộc chiến chống quân Minh xâm lược, để đất nước lại rơi vào ách thóng trị của phương Bắc.

“Nhất sợ Lũy Thầy”

Lũy Nhật Lệ (còn có tên khác là lũy Thầy, lũy Đồng Hới, lũy Trường Dục) là một công trình phòng thủ quy mô, gắn với tài năng của nhà quân sự Đào Duy Từ. Nằm ở tỉnh quảng Bình, lũy này được ông chỉ huy xây dựng theo lệnh chúa Nguyễn nhằm mục đích bảo vệ Đằng Trong khỏi các cuộc tấn công của chúa Trịnh Đằng Ngoài.

Hệ thống này gồm bốn tòa thành lũy. Trong số đó, hai lũy Nhật Lệ và Trường Dục được xây trong giai đoạn 1630-1631 dưới sự chỉ huy của Đào Duy Từ. Hai lũy còn lại do học trò của ông là tướng Nguyễn Hữu Dật thực hiện những năm sau đó. Người dân Đàng Trong gọi hệ thống này là Lũy Thầy để tỏ lòng tôn kính Đào Duy Từ.

SONG NUI NUOC NAM, VUA NAM O Cdv-luythay

Theo sử sách, Lũy Thầy phía ngoài có tường thành bao bọc, bên trong là doanh trại, công sự chiến đấu, kho tàng được bố trí theo lối chữ "Dĩ"liên hoàn chặt chẽ với thành ngoài. Về kích thước, lũy dài 2.500 trượng, chân rộng 1,5 trương, cao 1 trượng (mỗi trượng khoảng 4m).

Lũy Thày đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ chúa Nguyễn giữ vững sự kiểm soát tại Đằng Trong sau gần 50 năm chiến tranh với chúa Trịnh. Trong dân gian còn truyền tục câu ca: “Nhất sợ Lũy Thầy/Nì sợ đầm lầy Võ Xá”, liên hệ tới những thất bại của quân Trịnh tại vùng đất này.

Sau này, vua Thiệu Trị của nhà Nguyễn đã ban cho lũy này tên mới "Định Bắc trường thành" để nhớ ơn các bậc tiền bối đã giữ vững bờ cõi.

Địa đạo Củ Chi - pháo đài ngầm không thể công phá

Vào thời hiện đại, khi tất cả các thành lũy trên mặt đất đều trở lỗi thời trước những phương tiện chiến tranh tối tân thì địa đạo Củ Chi lại làm nên huyền thoại mới, huyền thoại về một pháo đài ngầm “không thể công phá”.

Đây là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất, được các chiến sĩ giải phóng xây dựng tại nơi được mệnh danh là "đất thép", nằm ở điểm cuối Đường mòn Hồ Chí Minh. Hệ thống này hình thành từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và mở rộng quy mô trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.


SONG NUI NUOC NAM, VUA NAM O Cdv-diadaocuchi

Tại thởi điểm đạt đến quy mô lớn nhất, toàn hệ thống địa đạo Củ Chi có chiều dài khoảng 200km với 3 tầng sâu khác nhau, với chiều sâu từ 3m đến, 12m. Với hệ thống đường và các phòng chức năng trong lòng đất, địa đạo không chỉ là nơi trú ẩn mà đã trở thành nơi sinh sống, học tập, làm việc, cứu thương, hội họp, kho chứa vũ khí... Không khí được đưa xuống địa đạo qua các lỗ thông hơi đặt tại vị trí các bụi cây.

Trên địa đạo còn hình thành các “xã chiến đấu” với rất nhiều ụ chiến đấu, bãi mìn, hố đinh, hầm chông... được bố trí thành các cụm liên hoàn tạo ra trận địa vững chắc trong thế trận chiến tranh du kích.

Quân đội Mỹ - ngụy đã liên tục tấn công vào hệ thống địa đạo bằng đủ các phương tiện như bom tấn, bơm nước, hơi ngạt... nhưng do hệ thống địa đạo được thiết kế để có thể cô lập từng phần nên không xảy ra nhiều hư hại.

Ngày nay, địa đạo Củ Chi đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn cho du khách đến thăm TP HCM với khoảng 120km được bảo vệ.
Về Đầu Trang Go down
good
Khách viếng thăm
Anonymous



SONG NUI NUOC NAM, VUA NAM O Empty
Bài gửiTiêu đề: Tiết lộ mối tình đầu của Trần Quốc Tuấn   SONG NUI NUOC NAM, VUA NAM O Icon_minitimeThu Sep 22, 2011 11:03 pm

Tiết lộ mối tình đầu của Trần Quốc Tuấn


Cập nhật lúc :7:04 PM, 20/09/2011
(ĐVO) Lúc bấy giờ, công chúa Thiên Thành đã được gả cho Trung Thành Vương, là con trai của Nhân Đạo Vương, một vị vương gia trong họ Trần. Quốc Tuấn muốn lấy công chúa nhưng không làm thế nào được, mới nhân ban đêm lẻn vào chỗ ở của người đẹp...

Tình yêu đầu của Trần Quốc Tuấn với công chúa Thiên Thành được các nhà viết sử ít nhắc tới khi viết về sự nghiệp của ông và mỗi nhà viết sử thì có cách nhìn nhận khác nhau, nhưng Trần Quốc Tuấn luôn là bậc đại nhân, đại nghĩa, đại dũng – công đức của ông thật lớn trong sự nghiệp chống giặc giữ nước. Người đời tôn vinh ông là bậc thánh: “Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương”. Tên tuổi của ông sang chói, sống mãi với muôn đời trong lịch sử Việt Nam.

Mối tình oái oăm

Trần Quốc Tuấn là con trai của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu gọi vua Trần Thái Tông bằng chú, sinh ra tại Kiếp Bạc, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, nguyên quán ở làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Người phụ nữ ông yêu lại là công chúa Thiên Thành, vốn là cô út, tức em gái của Trần Thái Tông và Trần Liễu.

Tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.


Như vậy, mối tình đầu của ông đã diễn ra trong tình thế khá oái oăm. Các tác giả của bộ sử Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã viết: “Có lẽ cái thói chung chạ của nhà Trần đã ăm sâu vào đầu óc người ta đến nỗi học cho việc ấy là tự nhiên, không có gì là quái lạ”. Sự thực là, lịch sử lập quốc nhà Trần quy định, để tránh ngôi vua truyền ra ngoài, chỉ có người trong tộc mới được lấy nhau. Đây chính là kinh nghiệm từ cách mà nhà Trần cướp nước từ tay nhà Lý thông qua việc Trần Thái Tông Trần Cảnh lấy nữ vương Lý Chiêu Hoàng.

Sợ mất người yêu... liều "lẻn" vào phòng giai nhân

Mùa xuân năm 1251, công chúa Thiên Thành được vua Trần Thái Tông dự định gã cho Trung Thành Vương – con trai của Nhân đạo Vương. Nhưng bấy giờ, Quốc Tuấn đang yêu say đắm công chúa Thiên Thành.

Ngày 15 tháng 2, nhà vua cho tổ chức ngày hội lớn kéo dài trong vòng 7 ngày, với nhiều trò chơi. Người trong triều, ngoài nội nườm nượp rủ nhau đến xem. Trước đó, vua đã nhận lễ vật gã công chúa Thiên Thành cho Trung Thành Vương và dù chưa chính thức cưới hỏi, đã cho công chúa đến ở nhà Nhân Đạo Vương, chờ ngày làm lễ hợp cẩn.

Ở đây phải nói rõ, cả vua quan và bên nhà trai đều không biết rằng công chúa Thiên Thành đã giành tình cảm riêng tư sâu nặng cho con trai An Sinh Vương Trần Liễu.

Ảnh minh họa.

Trần Quốc Tuấn đau khổ không nguôi, buồn nghĩ “chỉ ngày mai thôi, người mình trộm nhớ thấm yêu sẽ chính thức thành vợ người khác”. Thế là, giữa đêm mọi người đang mải mê xem hội, Trần Quốc Tuấn quyết định mạo hiểm để lấy được người mình yêu. Ông đến phủ đệ của Nhân Đạo Vương để quan sát nơi người yêu đang ở. Tường cao, cổng kín, lính canh cẩn mật. Không có lý do gì để vào được cổng chính, ông liều lĩnh leo tường phía sau để đột nhập vào trong phủ. Đêm tối, ánh sáng hắt ra phía vườn hoa, ông tìm ra phòng công chúa. Đứng nấp sau gốc cây cổ thụ một lúc, ông quyết định lẻn vào phòng của giai nhân.

Công chúa đang lo lắng, thấy Trần Quốc Tuấn xuất hiện, đã rất vui mừng.

10 mâm vàng... rước nàng về "dinh"

Vì hiểu rõ nếu lộ ra thì nhất định Nhân Đạo vương sẽ không tha tội chết cho ông. Tới nơi, Quốc Tuấn liền sai thị nữ của công chúa Thiên Thành nhanh chân chạy báo cho công chúa Thụy Bà – là chị ruột của công chúa Thiên Thành và vua Trần Thái Tông; đồng thời là mẹ nuôi của Trần Quốc Tuấn. Nghe tin cháu lâm vào tình trạng oái oăm như thế, bà vội vàng chạy vào cung, cấp báo với nhà vua: "Không ngờ Quốc Tuấn ngông cuồng càn rỡ, đang đêm lẻn vào chỗ của Thiên Thành. Nhân Đạo Vương đã bắt giữ hắn rồi, e sẽ giết hắn mất. Xin bệ hả rủ lòng thương, sai người đến cứu cho!".

Đây là cách nói của Thụy Bà, chứ thật ra Nhân Đạo Vương chưa hay biết gì. Nghe xong, nhà vua lập tức liền sai nội nhân đi ngay trong đêm. Đến phủ đệ Nhân Đại Vương, thấy bốn bề yên lặng. Họ tiến vào phòng công chúa Thiên Thành thì thấy Trần Quốc Tuấn ở đó. Bấy giờ Nhân đạo Vương mới biết chuyện gì xảy ra trong dinh mình. Nội nhân của nhà vua đưa Trần Quốc Tuấn về cung an toàn.

Trở về dinh của mình, Trần Quốc Tuấn trình hết mọi chuyện cho cô ruột Thụy Bà biết về tình cảm của mình. Vốn thương con nuôi, nên Thụy Bà tìm cách cho Trần Quốc Tuấn kết duyên cùng Thiên Thành. Sáng hôm sau, bà vào cung dâng lên nhà vua mười mâm vàng sống và năn nỉ: "Vì vội vàng quá nên không sắm được lễ vật, xin nhà vua nhận cho".

Vua Trần Thái Tông không biết làm cách nào, bất đắc dĩ phải gả công chúa Thiên Thành cho Quốc Tuấn; đồng thời cắt 2.000 khoản ruộng ở phủ Ứng Thiên (tương ứng với huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ Thanh Oai – Hà Tây ngày nay) để hoàn lại sính vật và tạ lỗi cho Trung Thành Vương. Cùng ngày hôm đó, công chúa Thiên Thành trở thành vợ Trấn Quốc Tuấn.

Có thể nói, hành động này của Trần Quốc Tuấn đã bị đương thời cho rằng, ngông cuồng càn rỡ! Các nhà viết sử lên án gay gắt. Nhưng phải chăng cũng nên có cách đánh giá khác. Ở tuổi thanh niên bồng bột này, Trần Quốc Tuấn đã sớm biểu lộ một tính cách mạnh mẽ, một tư tưởng khoáng đạt, một hành động quyết đoán dám vượt qua phong tỏa của lễ giáo phong kiến khắt khe, đòi được tự do yêu đương, bảo vệ bằng được hạnh phúc tình yêu đôi lứa.

Trần Quốc Tuấn (còn gọi là Trần Hưng Đạo) (1232 [1] - 1300) là danh tướng thời nhà Trần trong lịch sử Việt Nam; là người có công lớn trong ba lần kháng chiến chống Nguyên Mông. Đồng thời, ông còn là một nhà nghiên cứu quân sự với các bộ binh pháp Binh thư yếu lược và Vạn Kiếp bí truyền.

Năm 2000, Hội thảo 700 năm ngày mất của Ðức Thánh Trần Hưng Ðạo, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: "... Trong sự nghiệp hiển hách ba lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên - Mông ở thế kỷ 13, Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn có vai trò đặc biệt quan trọng. Ngài là một nhà chính trị - quân sự đại tài, được vua Trần tin yêu, giao quyền Tiết chế, thống suất cả vương hầu, tông thất, tướng lĩnh, điều động binh nhung, khí giới.
Về Đầu Trang Go down
good2
Khách viếng thăm
Anonymous



SONG NUI NUOC NAM, VUA NAM O Empty
Bài gửiTiêu đề: Tả quân Lê Văn Duyệt thân thái giám... làm nên nghiệp lớn   SONG NUI NUOC NAM, VUA NAM O Icon_minitimeThu Sep 22, 2011 11:05 pm

Tả quân Lê Văn Duyệt thân thái giám... làm nên nghiệp lớn

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, tuy là người để vua sai vặt nhưng trong lịch sử phong kiến Việt Nam có những thái giám được triều đình trọng dụng nhờ tài năng và đức độ. Một trong số đó là Tả quân Lê Văn Duyệt.

Theo Wikipedia, Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832) là công thần trụ cột của triều Nguyễn, nhà quân sự tài ba, không những giữ vững bờ cõi miền Nam mà còn phát huy uy lực với các nước láng giềng, tạo quan hệ buôn bán với người Tây ở Gia Định.

"Ngũ hổ tướng"Gia Định cứu chúa tiến cung

Tả quân Lê Văn Duyệt sinh năm Giáp Thân (1764) tại Cù Lao Hổ, cạnh Vàm Trà Lọt nay thuộc làng Hòa Khánh, tỉnh Định Tường. Ông nội của ông là Lê Văn Hiếu từ làng Bồ Đề, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) vào đây sinh sống. Sau khi Lê Văn Hiếu qua đời, cha ông là Lê Văn Toại, rời vùng Trà Lọt đến ở tại vùng Rạch Gầm, làng Long Hưng (nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Lê Văn Toại có tất cả 4 người con trai trong đó, Lê Văn Duyệt là con trưởng. Sử cũ mô tả ông là người thấp bé, nhưng lại có sức mạnh hơn người, từng được coi là một trong "ngũ hổ tướng" ở Gia Định.

Tả quân Lê Văn Duyệt sinh ra đã mang tật kín (ái nam) nên tính khí cũng khác người thường. Thuở nhỏ thường không chịu đi học mà chỉ thích làm bẩy, làm giỏ, bắt chim, đánh cá, nhất là đá gà và tụ tập các trẻ trong làng, chia phe tập trận đánh giặc. Rất khỏe mạnh, rất thông minh, giỏi võ thuật, tuy không có đi học nhiều, nhưng biết rất nhiều về truyện Tàu cùng các anh hùng hảo hán cũng như tư cách, tài năng và cách xử sự của họ ở trong đời. Ông được lịch sử đánh giá là người có chí lớn, mới 15 tuổi đã có câu nói: “Sinh ở đời loạn, không hay dựng cờ trống đại tướng, chép công danh vào sử sách không phải là trượng phu”.

Năm 17 tuổi, ông có dịp cứu Chúa Nguyễn Ánh cùng vài người tùy tùng khỏi tử thần. Đêm hôm đó, Nguyễn Ánh bị quân Nguyễn Lữ đuổi gắp. Nhờ mưa to gió lớn thuyền của quân Nguyễn Lữ không đuổi theo được thuyền Nguyễn Ánh. Nhưng khi đến Vàm Trà Lọt thì thuyền chở Nguyễn Ánh và đoàn tùy tùng bị sóng lớn làm cho suýt bị chìm. Lê Văn Duyệt xuất hiện kịp lúc, đỡ thuyền Nguyễn Ánh đưa vào bờ, giúp Nguyễn Ánh thoát nạn.

Biết Nguyễn Ánh là dòng dõi chúa Nguyễn, cụ Lê Văn Toại hết sức cung kính, lo lắng cho Nguyễn Ánh và đoàn tùy tùng cho họ tạm trú ở đây mấy hôm. Sau đó Nguyễn Ánh lại phải tiếp tục tìm đường lẩn trốn đoàn quân Nguyễn Lữ đang lục soát các nơi lùng bắt. Lúc chia tay Nguyễn Ánh cám ơn ông bà Lê Văn Toại với lời hứa là sau này sẽ trở lại đem Lê Văn Duyệt theo.

Giữ đúng lời hứa, năm 1786, sau khi lên ngôi Chúa ở Gia Định, Nguyễn Ánh trở lại Vàm Trà Lọt cám ơn vợ chồng ông Lê Văn Toại đã giúp ông trong cơn hoạn nạn và tuyển dụng Lê Văn Duyệt làm thái giám.

Đánh Nam dẹp Bắc lập chiến công

Từ khi được tuyển dụng vào cung, Lê Văn Duyệt xả thân phò Chúa Nguyễn Ánh, cùng với Nguyễn Văn Thành đánh Nam dẹp Bắc, lập nhiều công trận lớn lao, được phong đến tước Quận Công.

Theo sử sách ghi chép lại, tháng 3 (âm lịch) năm 1803, Lê Văn Duyệt phá tan cuộc nổi dậy của người dân thiểu số ở Vách Đá (Quảng Nghĩa, nay là Quảng Ngãi), được vua khen thưởng. Tháng 8 (âm lịch) năm đó, cha ông Duyệt là Lê Văn Toại được vua cho mời ra Huế ban khăn áo.

Năm 1808, Lê Văn Duyệt lại mang quân đến Đá Vách. Thấy Phó quản cơ Lê Quốc Huy, vì nhiễu hại quá, nên dân mới nổi dậy. Ông Duyệt bèn xin lệnh chém chết viên quan này, từ đó Quảng Nghĩa lại được yên.

Tháng 6 (âm lịch) năm 1812, nhà vua cho triệu Tổng trấn Gia Định Thành Nguyễn Văn Nhơn về, cử Lê Văn Duyệt vào thay, và cho Trương Tấn Bửu làm Phó tổng trấn, Ngô Nhân Tịnh làm Hiệp trấn.

Tháng 2 (âm lịch) năm 1813, nhận lệnh vua, Lê Văn Duyệt và Hiệp trấn Ngô Nhân Tĩnh đem 13.000 quân thủy đưa Nặc Chân về nước Chân Lạp (Campuchia ngày nay). Tại đây, ông thấy quân Xiêm dòm ngó Chân Lạp, bèn xin vua Gia Long cho đắp thành Nam Vang cho vua nước này ở (trước đó ở thành La Bích), đắp thành Lô Yêm để trữ lương, đồng thời lưu binh ở lại bảo hộ.

Sang tháng 5 (âm lịch) năm 1816, dân thiểu số ở Vách Đá lại nổi dậy, Trấn thủ Phan Tấn Hoàng đánh bị thua. Vua Gia Long lại phải sai Lê Văn Duyệt đem quân tới đàn áp.

Tháng Giêng (âm lịch) năm 1819, Lê Văn Duyệt nhận mệnh đi kinh lược các vùng: Thanh Hóa, Nghệ An và Thanh Bình (nay đổi là Ninh Bình) vì các nơi ấy thường mất mùa, sinh ra nhiều trộm cướp, quan sở tại không kiềm chế được.

Tháng 9 (âm lịch), triệu Lê Văn Duyệt về triều. Sang tháng 12 (âm lịch), vua Gia Long cho đòi ông và Phạm Đăng Hưng vào cung lãnh di chiếu, tôn Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi (tức vua Minh Mạng). Đồng thời nhà vua cho ông Duyệt cai quản quân 5 dinh Thần sách.

Cũng trong năm này, theo Vũ Man tạp lục của tướng Nguyễn Tấn và Viêm Giao trưng cổ ký của Cao Xuân Dục, thuận theo lời tâu của Lê Văn Duyệt, nhà vua cho xây Trường lũy (Tĩnh Man trường lũy), dài xấp xỉ 200 km, bắt đầu từ huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) đến huyện An Lão (Bình Định), để phòng ngự các cuộc nổi dậy của người thiểu số ở đây.

Sau này, dưới triều Minh Mạng, năm 1820, ông được cử vào Nam làm Tổng trấn Gia Định Thành lần thứ hai, thay cho Nguyễn Huỳnh Đức vừa mất hồi tháng 9 (âm lịch) năm 1819.

Lúc bấy giờ, ở nước Chân Lạp có thầy tu tên Kế vận động dân nổi dậy, cướp phá nhiều nơi thuộc trấn Phiên An. Quan trấn là Đào Văn Lý cản ngăn không được. Khi ông Duyệt đến, bèn cử Phó tổng trấn Huỳnh Công Lý đem quân đi đánh, đuổi quân Sư Kế chay về Chân Lạp. Tháng 9 (âm lịch) năm ấy, Sư Kế xua quân vây hãm thành Nam Vang, làm vua nước ấy phải đưa thư sang cáo cấp. Xem thư, Tổng trấn Lê Văn Duyệt liền sai Thống chế Nguyễn Văn Trí đem quân sang cứu viện, đến tháng 10 (âm lịch) thì giết được Sư Kế và đánh tan quân nổi dậy.

Cũng vào tháng 9 (âm lịch) năm đó, Phó tổng trấn Huỳnh Công Lý tham lam trái phép, bị quân nhân tố cáo hơn mười việc. Lê Văn Duyệt đem việc ấy tâu lên. Sau khi tra án, Huỳnh Công Lý bị kép vào vào tội chết (1821).

Tháng 10 (âm lịch) năm 1822, nhà vua sai Lê Văn Duyệt điều động quân và dân (được hơn 39 .000 người) để tiếp tục đào kênh Vĩnh Tế (đến tháng 5 âm lịch năm 1824 thì xong).

Tháng 8 (âm lịch) năm 1823, Lê Văn Duyệt về kinh chầu, Phó tổng trấn là Huỳnh Văn Năng coi thay. Sau đó, ông về ở luôn Gia Định cho đến chết.

Lịch sử đánh giá ông không chỉ có tài quân sự mà còn là một nhà chính trị. Làm Tổng trấn Gia Định Thành hai lần ông đã thực hiện chính sách trị an tốt và có công lớn trong việc giữ gìn an ninh cho xứ sở. Ông cho đắp đường, đào kênh, củng cố thành lũy, lập hai cơ quan từ thiện là "Anh hài" và Giáo dưỡng... Đồng thời, ông cũng có cách ứng xử khéo léo, rộng rãi đối với những người phương Tây đến buôn bán ở Sài Gòn. Bấy giờ, nhiều người kính phục, gọi ông là "Ông Lớn Thượng", hay “ Đức Thượng Công”... Một vài nước lân cận cũng tỏ ra kiêng nể ông.
Về Đầu Trang Go down
qeen
Khách viếng thăm
Anonymous



SONG NUI NUOC NAM, VUA NAM O Empty
Bài gửiTiêu đề: Chuyện bà hoàng 'xả thân'... 'đổi' nghiệp lớn    SONG NUI NUOC NAM, VUA NAM O Icon_minitimeSat Sep 24, 2011 1:30 am

Chuyện bà hoàng 'xả thân'... 'đổi' nghiệp lớn cho vua Lê Thái Tổ
Cập nhật lúc :7:30 PM, 17/09/2011

Lê Quý Đôn trong Đại Việt thông sử đề cập rằng: “Nhà vua sai làm lễ tế thần. Dùng Hoàng hậu làm vật tế. Hoàng hậu bèn mất..."

Rõ ràng, đây là một bí mật của vương triều nhà Lê?

Từ giấc mộng... đến hy sinh người thiếp

Các chính sử và Lam Sơn thực lục (bản Hồ Sĩ Dương) chép rằng: Tháng 3 năm Ất Tỵ (1425), Bình Định Vương Lê Lợi (vua Lê Thái Tổ) tiến quân vây thành Nghệ An, giặc Minh ra sức chống giữ, thế lực chưa phân thắng bại. Quân doanh của Lê Lợi tạm đóng cạnh đền thờ thần Phổ Hộ bên bờ sông Lam thuộc làng Trào Khẩu, huyện Hưng Nguyên. Đêm hôm đó, Bình Định Vương chiêm bao thấy một vị thần báo mộng: “Tướng quân nhường cho tôi một người thiếp, tôi hứa hết sức phù hộ tướng quân đánh thắng giặc Ngô, giữ vững nghiệp đế”...

Tỉnh dậy, Lê Lợi nghĩ rằng: Thuở xưa, vua Lý nhờ vợ chồng ông hàng dầu là Vũ Phục, nhảy xuống sông Thiên Phù, hiến xác cho thủy thần mà vua Lý khỏi bệnh đau mắt, lo được việc chống giặc. Rồi Lý Thường Kiệt dàn trận đánh Tống, nói rằng có thần ngâm thơ giúp đuổi giặc, mà quả nhiên hôm sau quân ta phá được giặc Tống bên sông Như Nguyệt. Vậy thì ngày nay, ta thí mạng một người mà cứu sống muôn người, thu lại được non sông, thì việc đáng làm lắm rồi.

Ảnh minh họa.



Hôm sau, Bình Định Vương gọi các bà vợ đến, kể cho nghe giấc mộng đêm qua và hỏi: “Có ai chịu đi làm vợ thủy thần không? Sau này khi ta lấy được nước, sẽ lập con của người đó làm thiên tử”. Các bà không ai nói gì, chỉ có bà Ngọc Trần khảng khái quỳ thưa: “Nếu vì nghiệp lớn của Minh Công thì thiếp tự nguyện xả thân; ngày sau mong Minh Công giữ lời hứa, chớ phụ con thiếp”.

Nhà vua khen ngợi và thương cảm hứa trước các bà và bề tôi, ngày sau xin làm đúng hẹn. Lúc đó, bà Phạm Thị Ngọc Trần đang bế đứa con lên 3 tuổi (Lê Nguyên Long, tức Lê Thái Tông sau này), gạt nước mắt trao cho người hầu bế ẵm; rồi đứng lên làm vật tế thần. Đó là vào ngày 24 tháng 3 năm Ất Tỵ (1425), bà Phạm Thị Ngọc Trần quyên sinh - được xem là một tấm gương xả thân vì nước, đời đời sáng mãi như tấm gương Lê Lai nguyện liều mình cứu chúa.

Sau khi bà qua đời, Bình Định Vương và nghĩa quân đưa về mai táng tại quê nhà ở sách Quần Đội. Nhưng lúc về đến làng Mía (làng Thịnh Mỹ, xã Thọ Diên hiện nay) thì trời đã tối, linh cữu của bà được đặt ở đây qua đêm. Sáng mai, mọi người ngạc nhiên: nơi đặt linh cữu của bà mối đã đùn thành một đống cao! Bà hiển linh chắc muốn an nghỉ tại chốn này? Bình Định vương truyền cho làng Mía lập đền thờ, gọi là đền Hiển Nhân bên cạnh sông Chu.

Kỳ lạ thay, sau khi lập đền thờ bà, sông Chu tự nhiên có hiện tượng đổi dòng. Mộ và đền thờ Hiển Nhân trôi xuống làng Thượng Vôi (nay thuộc xã Xuân Hòa, cách làng Mía khoảng 5 km). Dân làng với lòng ngưỡng mộ và thành kính đã lập đền thờ bà. Vì vậy, bà Phạm Thị Ngọc Trần quê ở sách Quần Đội, nhưng lại thờ ở làng Mía và sau đó dời về làng Thượng Vôi (xã Xuân Hòa), nay đều thuộc huyện Thọ Xuân.

Lấy được nước, vua giữ lời... phong vương

Năm 1428, sau khi kháng chiến chống giặc Minh thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế. Lúc đó, nhà vua nói với triều thần rằng: "Hoàng hậu Ngọc Trần đáng làm chúa cả trăm vị thần của cả nước ta". Tuy nhiên, vua lại lập con trưởng là Lê Tư Tề làm giám quốc lo triều chính (coi như người kế nghiệp), mà quên mất Lê Nguyên Long - chỉ được sách phong làm Lương quận Công. Nhưng không may, Tư Tề lại mắc bệnh cuồng và rất hiếu sát, khiến vua Lê Thái Tổ rất lo lắng.

Theo truyền thuyết, một hôm vua đang ngủ, bà Phạm quay về báo mộng trách cứ vua quên công lao của mình: "Nhà vua phụ công thiếp, từ hồi mới khỏi nghĩa, đã đem thiếp cho thần. Nay được thiên hạ rồi, mà ơn thánh chẳng được hưởng". Vua choàng tỉnh rồi truyền thân cận ra chiếu chỉ lập Nguyên Long làm Hoàng thái tử, phế Tư Tề xuống làm Quận vương. Tuy nhiên, sử chép rằng vua Lê Thái Tổ bỏ Tư Tề vì cho rằng Tư Tề làm nhiều điều trái ý.

Năm 1433, Lê Lợi qua đời, Lê Nguyên Long lên ngôi vua, tức là vua Lê Thái Tông. Năm Đinh Tỵ (1437), vua Thái Tông truy tôn mẹ mình làm Cung Từ Quốc Thái Mẫu, dựng miếu thờ ở Nam Kinh.

Theo các tài liệu lịch sử, gia phả, thần phả, bà Phạm Thị Ngọc Trần quê ở sách Quần Đội, huyện Lôi Dương (có sách chép là Quần Lai, nay thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân). Cha là Phạm Hoành, anh trai là Phạm Vân, đều tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Sau khi kết hôn với Lê Lợi, Ngọc Trần sớm hôm gánh vác việc thu xếp trang trại, coi sóc sản xuất, cấy trồng. Về sau, khi Lê Lợi dựng cờ dấy nghĩa, Ngọc Trần trực tiếp lãnh trách nhiệm việc quân lương, chỉ đạo đội nữ binh tại trại Như Áng – Lam Sơn, căn cứ buổi đầu của cuộc khởi nghĩa. Bà chịu nhiều gian khổ, lo săn sóc hậu cần, chăm sóc thương binh...

xxxxxxxxxxxxxxx

Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh là người đàn bà xinh đẹp, nhưng đầy mưu mô xảo trá, thường tìm mọi cách để chiếm được sự ưu ái của vua Lê Thái Tông.

Sử sách chép rằng, vua Thái Tông có 4 người con là Nghi Dân, Khắc Xương, Bang Cơ, Tư Thành. Vì các hoàng tử đều còn quá nhỏ (chỉ chênh nhau một vài tuổi) nên đã xảy ra việc tranh chấp ngôi báu giữa các bà vợ...

Dùng con... "giở" thủ đoạn

Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: Nghi Dân là con trưởng của vua Lê Thái Tông và Dương thị hoàng hậu, vốn đã được lập làm thái tử từ nhỏ. Nhưng sau đó, Nguyễn Thị Anh được vua sủng ái, nên năm 1441, vua nghe lời, truất ngôi của Nghi Dân, nhưng vẫn chưa định ai ở ngôi vị thái tử... Tuy nhiên, nhiều người trong triều dị nghị rằng, Nguyễn Thị Anh đã có thai trước khi vào cung và Bang Cơ không phải là con vua Thái Tông. Cùng lúc đó, một bà phi khác là Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao - vốn người duyên dáng, dịu dàng, hiền hậu được vua sủng ái - lại có mang sắp sinh và trong cung cũng rộ tin tức Tiệp dư nằm mộng thấy Thượng đế sai một tiên đồng xuống đầu thai làm con trai bà. Vì vậy, hoàng hậu Nguyễn Thị Anh sợ bà Ngọc Dao sinh được con trai thì hoàng tử Bang Cơ sẽ không được kế vị, bèn cấu kết với Đinh Thắng, một hoạn quan tâm phúc để lập mưu hại Tiệp Dư.

Ảnh minh họa.



Đinh Thắng lấy một hình nhân đàn ông, lấy 7 mũi kim đâm vào lưng và ngực, dưới chân ghi chữ Bang Cơ và cố tình để cho một cung nhân bắt được tâu lên vua. Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh là kẻ chủ mưu nhưng lại ra vẻ là người bị hại và đòi nhà vua phải truy cứu việc này đến cùng, phải tìm ra được người làm việc này và xử theo luật cho voi dày ngựa xéo. Một không khí nặng nề bao trùm trong cung.

Tiệp dư Ngọc Dao là người bị nghi ngờ nhiều nhất. Nhà vua rất băn khoăn và chỉ khép vào tội phát lưu (đày đi xa). Biết chuyện, quan hành khiển Nguyễn Trãi vào triều kiến và ra lời can gián. Ông cho rằng, chứng cớ xác đáng không có mà đã vội kết án Tiệp dư là một việc làm thất đức và ông xin nhà vua cho mình được lo liệu việc này. Thái Tông nghĩ mãi, không còn cách nào hơn nên đành chấp nhận đề nghị của Nguyễn Trãi. Ngay đêm ấy, Nguyễn Thị Lộ (vợ thứ của Nguyễn Trãi) đã bí mật đưa Tiệp dư họ Ngô ra ẩn náu ở chùa Huy Văn (ngõ Văn Chương, phố Tôn Đức Thắng ngày nay).

Tháng 11 năm 1441, nhà vua xuống chiếu lập Bang Cơ làm thái tử. Sau khi Thái Tông mất, thái tử Bang Cơ (1 tuổi) lên nối ngôi, lấy hiệu là Nhân Tông; Nguyễn Thị Anh trở thành thái hậu nhiếp chính.

Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, đến khi Lê Tư Thành (con của Tiệp dư Ngọc Dao) được 4 tuổi, thái hậu Nguyễn Thị Anh mới ăn năn cho người đi tìm và rước mẹ con bà Ngọc Dao về Kinh, phục vị cũ cho bà là Tiệp dư và phong cho Tư Thành làm Bình Nguyên vương, sau đó đổi làm Gia Vương.

Gieo gió gặt bão?

Năm 1453, vua Nhân Tông lên 13 tuổi. Tháng 11 năm đó, thái hậu Nguyễn Thị Anh rút vào hậu trường, giao lại triều chính cho con.

Theo Wikipedia, vua Nhân Tông không phải là con đích của vua cha nên anh cả là Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân vẫn thường có lòng oán hận và muốn đoạt ngôi. Một số ý kiến cho rằng, ngày càng có nhiều người dị nghị về nguồn gốc của Nhân Tông không phải là con của Lê Thái Tông nên càng thúc đẩy Nghi Dân nổi loạn.

Sách Đại Việt thông sử viết: Nhân Tông nghĩ Nghi Dân là anh ruột nên không có ý đề phòng gì cả. Ngày 3 tháng 10 năm Kỷ Mão (1459), Nghi Dân đang đêm cùng các thủ hạ bắc thang vào tận trong cung cấm giết vua Nhân Tông. Hôm sau, thái hậu Nguyễn Thị Anh cũng bị hại. Năm đó, bà 38 tuổi.

Trong chiếu lên ngôi, Lê Nghi Dân nêu lý do làm chính biến và những việc liên quan tới những việc Nguyễn thái hậu làm khi bà còn sống, trong đó có cả việc giết đại thần diệt khẩu trong thời gian nhiếp chính, được sử sách ghi chép: "Trẫm là con trưởng của Thái Tông Văn hoàng đế, trước đây đã được giữ ngôi chính ở Đông cung. Chẳng may tiên đế đi tuần miền đông, bỗng băng ở bên ngoài. Nguyễn Thái hậu muốn giữ vững quyền vị, ngầm sai nội quan Tạ Thanh dựng Bang Cơ làm vua, bắt trẫm làm phiên vương. Sau Tạ Thanh tiết lộ việc ấy, lây đến cả Thái úy Trịnh Khả và Tư không Trịnh Khắc Phục, Thái hậu bắt giết cả đi để diệt hết người nói ra... Diên Ninh (tức Lê Nhân Tông) tự biết mình không phải là con của tiên đế...".

Lê Nghi Dân tự xưng làm vua Thiên Hưng, nhưng chỉ sau 8 tháng lại bị các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Lăng... làm binh biến giết chết, rồi lập hoàng tử Lê Tư Thành lên làm vua, tức là vua Lê Thánh Tông. Vua Thánh Tông chính thức làm tang lễ cho bà Nguyễn Thị Anh, truy tôn là Tuyên Từ Nhân Ý Chiêu Túc hoàng thái hậu.
Nguyễn Thị Anh (1422 – 1459) là vợ thứ tư của vua Lê Thái Tông. Bà quê ở xã Bố Vệ, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa (nay là phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa). Bà vào cung làm vợ vua Lê Thái Tông khi khi Lê Thái Tông đã lập hoàng hậu Dương Thị Bí và sinh được con cả Lê Nghi Dân, rồi lập làm thái tử.

Đến nay, một số nhà sử học Việt Nam cho rằng bà là chủ mưu sát hại vua Lê Thái Tông trong vụ án Lệ Chi Viên. Nguyên nhân cụ thể là biết Ngô Thị Ngọc Giao đã sinh con trai và ngày càng nhiều người đồn đại về dòng máu của Bang Cơ, nhân lúc con mình đang ở ngôi đương kim thái tử, Nguyễn Thị Anh chủ động ra tay trước. Nhân dịp vua Thái Tông về thăm Nguyễn Trãi, sợ Nguyễn Trãi gièm pha mình và nói tốt cho Tư Thành nên bà sai người sát hại vua Thái Tông, rồi đổ tội cho vợ chồng Nguyễn Trãi.

Trước khi qua đời, Nguyễn Trãi nói rằng, ông hối hận không nghe lời hoạn quan Đinh Phúc và Đinh Thắng. Nguyễn thái hậu ra lệnh giết tiếp hai người này. Đinh Thắng là hoạn quan chịu trách nhiệm ghi chép ngày tháng thụ thai của các phi tần trong cung. Vì hai người này biết được bí mật của bà nên họ cũng bị trừ khử để diệt khẩu.
Về Đầu Trang Go down
good
Khách viếng thăm
Anonymous



SONG NUI NUOC NAM, VUA NAM O Empty
Bài gửiTiêu đề: Triệu Việt Vương đi theo 'vết xe đổ' của An Dương Vương?   SONG NUI NUOC NAM, VUA NAM O Icon_minitimeSat Sep 24, 2011 1:51 am

Triệu Việt Vương đi theo 'vết xe đổ' của An Dương Vương?

Cập nhật lúc :1:51 PM, 29/08/2011
(ĐVO) Dù sống cách xa nhau về thời gian, nhưng ở An Dương Vương Thục Phán và Triệu Việt Vương Triệu Quang Phục, chúng ta nhìn thấy nhiều điểm trùng hợp đến ngẫu nhiên giữa hai tiền nhân này. Hãy cùng điểm qua điều đó.

Nắm quyền bằng chuyển giao quyền lực

Thục Phán theo sử cũ chép, vốn dòng dõi Thục Vương, vì đời tiền nhân của Thục Phán cầu hôn con gái Hùng Vương không được nên sinh cừu hận. Nhân khi Hùng Vương không phòng bị, Thục Phán cướp nước Văn Lang lập nên nhà nước mới.

Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Hùng Vương bỏ không sửa sang võ bị, chỉ ham ăn uống vui chơi. Quân Thục kéo sát đến nơi, hãy còn say mềm chưa tỉnh, rồi thổ huyết nhảy xuống giếng chết, quân lính quay giáo đầu hàng Thục Vương”.

Tranh Minh Họa vua An Dương Vương trước lúc tự tận.



Đại Việt sử lược (khuyết danh) thì chép ngắn gọn: “Cuối đời nhà Chu, Hùng Vương bị con vua Thục là Phán đánh đuổi rồi lên thay.” Lên ngôi rồi, An Dương Vương đặt tên nước là Âu Lạc. Tên gọi này theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép lại theo Dư địa chí của Cổ Hi Phùng “Giao Chỉ về đời Chu gọi là Lạc Việt, về đời Tần gọi là Tây Âu”. Như vậy tên Âu Lạc là cách gọi kết hợp về cùng một địa danh.

Nếu An Dương Vương nắm quyền lực sau khi truất ngôi Hùng Vương thì Triệu Quang Phục cũng nắm quyền từ một cuộc chuyển giao quyền lực, nhưng mang tính chất hòa bình.

Sau khi lập nên nước Vạn Xuân năm Giáp Tý (544), Lý Nam đế - Lý Bí lại phải chống quân Lương do Trần Bá Tiên dẫn đầu sang xâm lược. Tháng 8 năm Bính Dần (546) bị thua ở hồ Điển Triệt (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay), “phải lui giữ ở trong động Khuất Lão để sửa binh đánh lại, ủy cho đại tướng là Triệu Quang Phục giữ việc nước” (Đại Việt sử ký toàn thư). Năm 548, Lý Bí bị bệnh chết ở động Khuất Lão, Triệu Quang Phục lên nắm quyền, tức là Triệu Việt Vương.

Hai vị vua tài

An Dương Vương từng đánh Hùng Vương, rồi đuổi quân xâm lược Triệu Đà. Nhưng bằng chứng hùng hồn nhất cho tài thao lược của ông phải kể đến đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc quân sự thời Âu Lạc, đó là thành Cổ Loa (vì thành có hình xoáy ốc, lại có tên là Trung Qui thành, thời Đường gọi là Côn Lôn thành, có ý nói là thành rất cao) với ba vòng thành Nội, thành Trung, thành ngoại, phối kết hợp với hào lũy từ dòng nước tự nhiên của sông Hoàng làm nên công trình quân sự kiên cố chống giặc xâm lược.


Tranh minh họa vua Triệu Quang Phục ở Đàm Dạ Trạch.


Bên cạnh đó, nhà nước Âu Lạc của An Dương Vương còn có thứ vũ khí đáng sợ là nỏ liên châu, hay Linh Quang thần trảo mà dân gian gọi là nỏ thần, một lúc có thể bắn được nhiều mũi tên.

Đối với Triệu Việt Vương, tài năng của ông thể hiện rõ qua việc được Lý Nam đế Lý Bí tin cẩn giao cho quyền bính, và hiện thực hóa qua kế đánh “trì cửu” (cầm cự lâu dài) với việc lấy đầm Dạ Trạch (tức đầm Một Đêm, thuộc Khoái Châu, Hưng Yên) làm đại bản doanh chống giặc Lương: “Ngày ngày, quân sĩ thay phiên nhau vừa luyện tập, vừa phát bờ, cuốc ruộng, trồng lúa, trồng khoai để tự túc binh lương. Ban ngày tắt hết khói lửa, im hơi lặng tiếng như không có người, đến đêm nghĩa quân mới kéo thuyền ra đánh úp các trại giặc, cướp được nhiều lương thực” (Việt sử tiêu án – Ngô Thì Sỹ). Nhờ cách đánh “trì cữu” đó năm Canh Ngọ (550), Triệu Quang Phục đánh đuổi quân Lương lấy lại được nước.

Được thần giúp vũ khí

An Dương Vương đắp thành Cổ Loa vừa làm kinh đô, vừa làm căn cứ chống giặc phương Bắc. Nhưng thành cứ đắp lại đổ, sau nhờ có thần Kim Quy giúp mới đắp không quá nửa tháng thì xong. Lại được thần “trút chiếc móng trao cho vua và nói: “Nước nhà yên hay nguy đều do số trời, nhưng người cũng nên phòng bị; nếu có giặc đến thì dùng móng thiêng này làm lẫy nỏ, nhằm vào giặc mà bắn thì không phải lo gì”.

Vua sai bề tôi là Cao Lỗ làm nỏ thần, lấy móng rùa làm lẫy, đặt tên là Linh Quang Kim Trảo thần nỏ” (Đại Việt sử ký toàn thư). Nhờ có nỏ thần đó, quân Nam Việt năm lần bảy lượt xâm lược Âu Lạc đều thất bại.

Còn Triệu Việt Vương khi đóng quân ở đầm Dạ Trạch, cũng là đầm nơi trước kia hai vợ chồng Tiên Dung – Chử Đồng Tử theo truyền thuyết đã bay lên trời. Quang Phục thấy quân Lương không rút lui, bèn đốt hương khấn trời thì có điềm tốt là được móng rồng để đính lên mũ đâu mâu, dùng để uy hiếp quân giặc. Đại Việt sử ký toàn thư chép lại việc này: “tục truyền rằng thần nhân trong đầm là Chử Đồng Tử bấy giờ cưỡi rồng vàng từ trên trời rơi xuống, rút móng rồng trao cho vua, bảo gài lên mũ đâu mâu mà đánh giặc. Từ đó thanh thế quân đội lừng lẫy, đánh đâu được đấy”.

Như vậy, An Dương Vương và Triệu Việt Vương đều được thần giúp. Có một điều rất hay nữa là, vũ khí thần ở đây đều là của hai con vật thần thoại nằm trong bộ “Tứ linh” (long, lân, quy, phụng) và đều là chiếc móng. Rùa và rồng là hai con vật gắn liền với cư dân nông nghiệp lúa nước Việt Nam (rồng được thần thánh hóa từ hình tượng có thật là con rắn).

Thông gia và kết cục - Hai kịch bản, một nội dung?

An Dương Vương - Triệu Đà - Trọng Thủy - Mỵ Châu: Không xâm lược được nước Âu Lạc, Nam Việt Vương Triệu Đà giả thác hòa thân, dùng con bài hôn nhân chính trị để cướp nước. Trọng Thuỷ con Triệu Đà kết hôn với công chúa Mỵ Châu của An Dương Vương. An Dương Vương vì trọng hòa bình, hữu hảo mà tác thành, lại cho Trọng Thuỷ theo cái tục “Chuế tế” - gửi rể chỉ ở Trung Quốc đời Tần mới có (con trai không có tiền nộp sính lễ, lấy thân ở gửi nhà vợ nên gọi là chuế tế (ở gửi rể). Để rồi từ đây, Mỵ Châu với tình yêu dành cho chồng đã tiết lộ hết bí mật quân sự (móng rùa thần), quốc gia cho Trọng Thuỷ, An Dương Vương mất nước.

Triệu Việt Vương - Lý Phật Tử - Nhã Lang - Cảo Nương: Vết xe đổ xảy ra ở thế kỷ 2 TCN của An Dương Vương còn đó, nhưng Triệu Việt Vương vẫn dẫm vào. Sau khi đánh đuổi quân Lương, Triệu Việt Vương giao tranh với Lý Phật Tử (vốn là bộ tướng của Lý Thiên Bảo là anh của Lý Bí) rồi vạch đôi sơn hà cai trị. Lý Phật Tử cũng như Triệu Đà, cho con trai mình Nhã Lang kết hôn với công chúa Cảo Nương của Triệu Việt Vương rồi đánh cắp bí mật quân sự (móng rồng) để rồi cướp nước. Năm Canh Dần, (570), Triệu Việt Vương mất nước về tay Lý Phật Tử.

Dù ở hai thời khác nhau, nhưng An Dương Vương và Triệu Việt Vương đều bị kẻ thù lừa cùng một kịch bản: Hôn nhân, gửi rể - vợ tiết lộ bí mật quân sự cho chồng - thông gia cướp nước. Bí mật quân sự ở được nói tới là móng rùa thần, móng rồng, nhưng thực tế đó chính là việc Trọng Thuỷ, Nhã Lang phá vỡ sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ triều đình An Dương Vương, Triệu Việt Vương. Mất đi điều đó, dù có thành cao, hào sâu, vũ khí lợi hại bao nhiêu đi chăng nữa cũng mất nước.

Mất nước, cả An Dương Vương, Triệu Việt Vương đều đem theo con gái yêu chạy về nam và cùng tìm đến biển làm nơi tự tận. An Dương Vương “xuống biển” ở xã Cao Xá ở Diễn Châu, Nghệ An. Còn Triệu Việt Vương chết ở cửa biển Đại Nha, nay thuộc Nghĩa Hưng, Nam Định. Cái chết của An Dương Vương cùng việc mất nước Âu Lạc mở đầu cho thời kỳ hơn 1.000 năm Bắc thuộc. Còn Triệu Việt Vương mất nước, chỉ thời gian ngắn sau, với việc Lý Phật Tử hàng Tuỳ, nước ta lại rơi vào thân phận nô lệ.
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content





SONG NUI NUOC NAM, VUA NAM O Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: SONG NUI NUOC NAM, VUA NAM O   SONG NUI NUOC NAM, VUA NAM O Icon_minitime

Về Đầu Trang Go down
 
SONG NUI NUOC NAM, VUA NAM O
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Q9A1-THANGLONG-UNIVERSITY :: HOT NEWS FROM NEWPAPERS-
Chuyển đến